Thứ Tư, 24 tháng 3, 2010

Bệnh Phong Không Còn Nguy Hiểm Nữa

Thực vậy, bệnh Phong bây giờ đã được điều trị khỏi bằng sự phối hợp của nhiều dược phẩm với các phương thức phòng chống tàn tật và phẫu thuật phục hồi chức năng.



Cách đây mươi thế kỷ, bệnh hoành hành khắp mọi nơi trên thế giới. Ngày nay, số bệnh nhân đã giảm khá nhiều và chỉ thường thấy ở một số quốc gia nằm trong vùng nhiệt đới ở Ðông Nam Á Châu, Nam Mỹ châu đặc biệt là châu Phi.

Bệnh Phong được ghi nhận là đã xuất hiện đầu tiên ở Ấn Ðộ nhiều ngàn năm về trước.Theo Guinness World Records, đây là bệnh được biết tới sớm nhất.

Từ Ấn, bệnh lan truyền tới Viễn Ðông rồi Âu châu qua những người du lịch, những binh sĩ chinh phục thuộc địa lây bệnh nơi đây.

Khí hậu nóng ẩm, vệ sinh nhà ở kém, nghèo túng của dân chúng là đất mầu mỡ cho bệnh hoành hành.

Cao điểm nhất của bệnh là vào những năm 1100- 1300 AD. Bệnh giảm nhờ có cải thiện y tế công cũng như trị liệu sau này hữu hiệu hơn.

Theo cơ quan Y Tế Thế Giới, năm 1985 có khoảng hơn 6 triệu ca được ghi danh và khoảng từ 10 tới 12 triệu người bị phong tại trên thế giới. Tới năm 2000, con số giảm xuống là 600,000 ca ghi danh và 1.6 triệu người bệnh phong trên thế giới.

Ở Việt Nam còn khoảng 60,000 người bệnh sống trong 20 Trung tâm Ðiều trị Phong trên toàn quốc như Phú Quỳnh, Văn Môn, Sóc Sơn, Phú Bình, Sơn La, Quả Cảm, Quy Hòa... Trong số này có đến gần 30,000 người bị tàn tật, có nghĩa là ngoài sự bất hạnh bị bệnh Phong, họ lại còn bị nhiều khuyết tật khác nữa.

Nước Mỹ có trên dưới 7000 người bị Phong được ghi nhận và mỗi năm có thêm khoảng 300 ca, đa số là những di dân đã bị bệnh trước khi tới định cư tại Mỹ.

Tại một vài quốc gia Bắc Âu, số bệnh nhân Phong không đếm đủ trên các đốt của hai bàn tay. Do đó các nhân viên y tế chỉ biết bệnh qua phim ảnh, sách báo.



Ấy vậy mà có một thời kỳ, bệnh Phong đã là mối hoang mang kinh sợ và gây nhiều hiểu nhầm tai hại cho nhân loại trong cả mấy ngàn năm.

Người ta coi bệnh Phong như một trừng phạt của Thượng Ðế. Người mắc bệnh Phong bị cô lập, xa lánh, bêu xấu. Họ không được đến gần người khác, không được lập gia đình, phải mặc quần áo riêng để dễ nhận diện. Khi đi ra ngoài, họ phải đeo một cái chuông. Chuông kêu leng keng, để mọi người biết mà tránh. Tránh như tránh “Cùi” tránh “Hủi”.

Họ được tập trung vào các ngôi nhà hẻo lánh, xa thị trấn, bị coi như những kẻ đã chết trong khối người còn sống; được dự đám tang, chôn cất chính mình. Khi thực sự chết thì thân xác bị vùi lấp ở mảnh đất xa xôi, riêng biệt. Tại một vài quốc gia thời Trung Cổ, người ta tiêu diệt bệnh phong bằng cách chôn sống bệnh nhân hoặc đốt cháy khu người phong trú ngụ để loại trừ bệnh.

Một vài tôn giáo còn cho rằng phong lây lan qua hành động tình dục, đồng nghĩa Phong với tội lỗi. Và vì thế một công chúa phạm tà dâm đã bị vua cha mang gả cho một người mắc bệnh Phong.

Bản thân người bệnh cũng mang nhiều mặc cảm. Họ sống cầu bơ cầu bất lén lút trong thiếu thốn mọi mặt với vết thương lòng tàn phá chẳng kém chi vết thương trên xương thịt, cơ thể.

Tài liệu về nghi thức của một tôn giáo vào thế kỷ thứ 13 bên nước Anh có gi rõ sự cấm đoán khắc nghiệt với bệnh nhân Phong:

... “Ta cấm không cho ngươi được bước vào nhà thờ, đến chợ, nhà máy xay, nơi làm bánh hoặc bất cứ nơi vào có đông dân chúng tụ họp.

Ta cấm ngươi không được rửa tay hoặc bất cứ vật tùy thân nào trong giếng nước, giòng suối các loại.

Ta cấm ngươi từ nay không được đi ra ngoài mà không mặc quần áo cùi để mọi người nhận ra ngươi.

Ta cấm ngươi giao hợp với bất cứ người nữ nào, ngoại trừ vợ ngươi.

Ta cấm ngươi sờ đụng tới con trẻ, dù chúng là ai, hoặc trao cho chúng hoặc người khác bất cứ vật sở hữu nào của ngươi.

Ta cấm ngươi ăn uống với bất cứ ai ngoại trừ kẻ cùi hủi như ngươi...”



Thật tội nghiệp cho một kiếp người. Bị hắt hủi, bị đầy đọa, bị cô lập chỉ vì số mệnh bắt phải mang một trong “tứ chứng nan y” vào thời điểm xa xưa: Phong, Lao, Cổ, Lại.

BỆNH PHONG (bệnh Cùi, leprosy, hansen disease)

Bệnh phong là gì?
Bệnh phong là một bệnh nhiễm trùng hệ thống mạn tính do trực khuẩn phong gây ra. Bệnh gây tổn thương chủ yếu ở da và thần kinh ngoại biên. Trong những thể nặng hoặc không được điều trị sớm bệnh có thể gây tổn thương cơ quan khác như mắt, mũi, họng, thanh quản, viêm tinh hoàn, tổn thương xương, khớp.
Tình hình bệnh phong hiện nay
Bệnh phong là bệnh lây truyền chứ không phải là do di truyền, tuy nhiên không dễ lây. Tỉ lệ lây lan trong các cặp vợ chồng hoặc trong các gia đình có người bị bệnh phong từ 2-5%. Điều kiện lây lan phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Tỉ lệ hiện mắc và tỉ lệ phát hiện tại thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2004 là 0,41/10.000 và 1,22/100.000.
Bệnh phong lây từ đâu?
Bệnh phong hầu như chỉ có ở người, mặc dù một số trường hợp giống như bệnh phong được tìm thấy ở những con trúc và một vài loài khỉ. Vậy bệnh nhân phong chưa được điều trị chính là nguồn lây lan, trong đó bệnh nhân phong nhiễm khuẩn là nguồn lây lan chủ yếu.
Đường bài xuất trực khuẩn phong
Có hai đường bài xuất chính là đường hô hấp và da bị lở loét, trong đó chủ yếu qua đường hô hấp. Bệnh nhân phong u không điều trị có thể phóng thích mỗi ngày đến 100 triệu trực khuẩn phong từ các chất tiết ở mũi. Trực khuẩn phong có thể sống được ở môi trường ngoài cơ thể 1-2 tuần, đặc biệt là trong môi trường tối và ẩm thấp. Trực khuẩn phong rất nhạy cảm với ánh nắng và môi trường khô nóng.
Đường xâm nhập của đường trực khuẩn phong
Hai đường chính là hô hấp và da bị trầy xước chấn thương. Đường hô hấp cũng là đường vào chủ yếu, qua đó trực khuẩn phong được chuyển đến những vị trí thích hợp để nhân lên.
Khả năng mắc bệnh
Phụ thuộc vào miễn dịch trung gian tế bào của cơ thể. Đa số mỗi người đều có miễn dịch trung gian tế bào mạnh đối với trực khuẩn phong. Những người này không bị bệnh, hoặc nếu có thì chỉ mắc bệnh phong thể nhẹ. Trái lại một số người không có hoặc chỉ có miễn dịch tế bào yếu thì dễ mắc bệnh hơn và dễ bị thể phong nặng.
Ai dễ bị bệnh phong
- Tuổi nào cũng có thể bị song thanh thiếu niên dễ bị hơn. Tuổi khởi phát bệnh cao nhất là giữa 10 và 20 tuổi.
- Giới tính: nam bị nhiều hơn nữ, tỉ lệ khoảng 2/1.
- Khí hậu: lưu hành cao hơn ở các xứ nhiệt đới nóng và ẩm thấp.
- Mức sống: ăn uống kém dinh dưỡng làm giảm sức đề kháng của cơ thể, sống chen chúc trong những căn nhà chật hẹp, đông người làm tăng sự tiếp xúc gần gũi với nguồn lây.
Nguyên nhân bệnh phong là gì?
Bệnh phong là do vi tùng có tên khoa học là Mycobaterium leprae gây ra. Vi trùng này được ông Armauer Hansen tìm ra vào năm 1873.
Có bao nhiêu thể hay nhóm phong?
Tùy theo cách phân loại bệnh phong mà chia ra các thể hay nhóm phong khác nhau.
Phân loại theo hội nghị bệnh phong quốc tế lần thứ 6 (Madrid 1953)
Gồm 4 nhóm: phong bất định (1), phong củ (T), phong trung gian (B) hay phong nhị dạng (dimorphous), và phong u (L).
Phân loại theo miễn dịch học của Ridley và Jopling
Gồm 6 nhóm :
- Nhóm phong bất định (I, indeterminate)
- Nhóm phong củ (TT, tuberculoid)
- Nhóm phong trung gian gần củ (BT,border-line tuberculoid )
- Nhóm phong trung gian (BB, mid-borderline)
- Nhóm phong trung gian gần u (BL, border-line leppromatous)
- Nhóm phong u (LL, leppromatous leprosy)
Phân loại theo vi khuẩn (theo WHO 1988 )
Phân theo vi khuẩn để xác định bệnh nhân sẽ được điều trị theo phác đồ nào. Phân loại này gồm 2 nhóm:
Nhóm ít khuẩn (PB – Paucibacllary)
Thường là các thể phong bất định, phong củ, phong trung gian gần củ.
Tuy nhiên nếu các thể phong này xét nghiệm vi khuẩn dương tính sẽ được điều trị theo phác đồ nhiều khuẩn.
Nhóm nhiều khuẩn (MB=multibacllary)
Thường là các thể phong trung gian , phong trung gian gần u,phong u.
Triệu chứng bệnh phong
Sau thời kỳ ủ bệnh trung bình 2-5 năm, bệnh phong có thể bộc phát với các triệu chứng sau:
Triệu chứng da:
- Các dát hoặc đốm bạc màu hoặc màu nâu, hoặc màu đỏ.
- Mảng đỏ.
- Sẩn, cục, u phong : đỏ hoặc đỏ đồng.
- Các vùng da bị sưng bóng.
Đặc trưng nhất là các biểu hiện da trên có dấu hiệu mất cảm giác.


Triệu chứng thần kinh:
Vi khuẩn phong tấn công vào các sợi hoặc dây thần kinh có thể dẫn đến các biểu hiện:
- Mất cảm giác trên các vùng da, nhất là ở bàn tay, bàn chân.
- Dây thần kinh phì đại.
- Đau nhức.
- Teo cơ.
- Yếu hoặc liệt cơ: ngón tay, bàn tay, ngón chân, bàn chân cử động yếu hoặc không cử động được.
- Triệu chứng do tổn thương thần kinh giao cảm: khô da, rụng lông, giòn móng, teo da, nứt da.
Triệu chứng tổn hại các cơ quan khác:
- Mũi họng: sụp mũi, nói khàn.
- Mắt: mất phản xạ giác mạc, mắt nhắm không kín, viêm giác mạc.
- Xương: viêm xương, tiêu xương gây rụt và cụt ngón tay, ngón chân, bàn chân.
- Loét bàn tay, bàn chân.
- Viêm tinh hoàn.
- Viêm hạch bạch huyết.
Dựa vào những dấu hiệu nào để chẩn đoán bệnh phong ?
Có 3 dấu hiệu chính là:
- Mất hoặc giảm cảm giác ở tổn thương da hoặc ở vùng da bị bệnh.
- Thần kinh ngoại biên phì đại và nhạy cảm, phối hợp với các dấu hiệu của thương tổn dây thần kinh như liệt, mất cảm giác, teo cơ, loạn dưỡng da.
- Tìm thấy trực khuẩn phong ở tổn thương.
Tuy nhiên, chẩn đoán xác định dựa vào các dấu hiệu khi khám lâm sàng là chính.
Điều trị phong như thế nào?
Mục đích điều trị:
- Chữa khỏi bệnh, đưa bệnh nhân về với lao động và sinh hoạt bình thường hay gần bình thường.
- Cắt đứt lây lan trong cộng đồng, điều trị nay có ý nghĩa lớn hơn việc chữa khỏi bệnh cho từng cá nhân.
Nguyên tắc điều trị:
- Khám và điều trị cả người tiếp xúc (nếu có bệnh).
- Cần uống đủ thuốc, đủ liều, đủ thời gian và đều đặn theo chế độ đa hóa trị liệu.
- Kết hợp với vật lý trị liệu và giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân.
- Trong điều trị chú ý theo dõi các phản ứng phong và các tai biến do thuốc để xử lý kịp thời.
Các thuốc điều trị bệnh phong hiện nay:
- DDS (Dapson, Disulon).
- Rifampicin (Rimactan,Rifadine).
- Lamprene (Clofazimine, B663).
- Các thuốc mới: các thuốc nhóm quinolon: pefloxacin, nhất là ofloxacin; các thuốc khác: roxirthromycine, clarithromycine, minocycline.
Điều trị tàn tật do bệnh phong:
Một số bệnh nhân có thể bị tàn tật trước, trong hoặc sau khi áp dụng đa hóa trị liệu. Những tàn tật thông thường là mất cảm giác, viêm loét đầu chi hoặc bị ảnh hưởng trên mắt như chứng hở mi, mất phản xạ giác mạc, giảm thị lực. Nếu phát hiện bệnh trễ hoặc bệnh nhân không tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của nhân viên y tế có thể dẫn đến các tàn tật nặng như mù lòa, cụt ngón tay, ngón chân, bàn tay, bàn chân. Vì vậy việc phát hiện và điều trị sớm, kết hợp điều trị tàn tật rất quan trọng.
Điều trị: áp dụng vật lý trị liệu từ đơn giản đến phức tạp như vận động liệu pháp hàng ngày, tắm sáp, các bài tập chuyên biệt cho từng bộ phận. Khi phẫu thuật chỉnh hình bệnh nhân cũng cần được tập vật lý trị liệu trước và sau phẫu thuật.
Cách phòng ngừa bệnh phong
Biện pháp phòng bệnh chủ yếu hiện nay vẫn là phát hiện và điều trị sớm bệnh phong, trong đó giáo dục sức khỏe phải được thực hiện rộng khắp và đều đặn nhằm giúp cho mọi người có kiến thức căn bản về bệnh phong, tức là có quan niệm đúng đắn về bệnh phong, biết được các triệu chứng sớm của bệnh.
Điều quan trọng đối với mỗi người dân là:
- Có quan niệm đúng đắn về bệnh phong: bệnh không phải là bệnh nan y và đáng sợ nữa, mà là bệnh nhiễm trùng có thể chữa khỏi được hoàn toàn.
- Cần vệ sinh thân thể, vệ sinh nơi ở, đồng thời ăn uống đầy đủ, hợp lý để nâng cao sức chống đỡ với bệnh tật.
- Biết được dấu hiệu sớm của bệnh như: nếu có xuất hiện trên da một đốm bất thường kèm mất cảm giác, thì cần đi khám sớm và theo đúng hướng dẫn điều trị của chuyên khoa.
- Khi bị bệnh, người bệnh cần phải uống thuốc đều, đủ thuốc, đủ thời gian qui định và tự chăm sóc tay chân, mắt hàng ngày để phòng ngừa hoặc hạn chế tàn tật.
- Những trường hợp có biến chứng và tàn tật nặng cần được điều trị ở chuyên khoa da liễu tuyến trên.