Thực vậy, bệnh Phong bây giờ đã được điều trị khỏi bằng sự phối hợp của nhiều dược phẩm với các phương thức phòng chống tàn tật và phẫu thuật phục hồi chức năng.
Cách đây mươi thế kỷ, bệnh hoành hành khắp mọi nơi trên thế giới. Ngày nay, số bệnh nhân đã giảm khá nhiều và chỉ thường thấy ở một số quốc gia nằm trong vùng nhiệt đới ở Ðông Nam Á Châu, Nam Mỹ châu đặc biệt là châu Phi.
Bệnh Phong được ghi nhận là đã xuất hiện đầu tiên ở Ấn Ðộ nhiều ngàn năm về trước.Theo Guinness World Records, đây là bệnh được biết tới sớm nhất.
Từ Ấn, bệnh lan truyền tới Viễn Ðông rồi Âu châu qua những người du lịch, những binh sĩ chinh phục thuộc địa lây bệnh nơi đây.
Khí hậu nóng ẩm, vệ sinh nhà ở kém, nghèo túng của dân chúng là đất mầu mỡ cho bệnh hoành hành.
Cao điểm nhất của bệnh là vào những năm 1100- 1300 AD. Bệnh giảm nhờ có cải thiện y tế công cũng như trị liệu sau này hữu hiệu hơn.
Theo cơ quan Y Tế Thế Giới, năm 1985 có khoảng hơn 6 triệu ca được ghi danh và khoảng từ 10 tới 12 triệu người bị phong tại trên thế giới. Tới năm 2000, con số giảm xuống là 600,000 ca ghi danh và 1.6 triệu người bệnh phong trên thế giới.
Ở Việt Nam còn khoảng 60,000 người bệnh sống trong 20 Trung tâm Ðiều trị Phong trên toàn quốc như Phú Quỳnh, Văn Môn, Sóc Sơn, Phú Bình, Sơn La, Quả Cảm, Quy Hòa... Trong số này có đến gần 30,000 người bị tàn tật, có nghĩa là ngoài sự bất hạnh bị bệnh Phong, họ lại còn bị nhiều khuyết tật khác nữa.
Nước Mỹ có trên dưới 7000 người bị Phong được ghi nhận và mỗi năm có thêm khoảng 300 ca, đa số là những di dân đã bị bệnh trước khi tới định cư tại Mỹ.
Tại một vài quốc gia Bắc Âu, số bệnh nhân Phong không đếm đủ trên các đốt của hai bàn tay. Do đó các nhân viên y tế chỉ biết bệnh qua phim ảnh, sách báo.
Ấy vậy mà có một thời kỳ, bệnh Phong đã là mối hoang mang kinh sợ và gây nhiều hiểu nhầm tai hại cho nhân loại trong cả mấy ngàn năm.
Người ta coi bệnh Phong như một trừng phạt của Thượng Ðế. Người mắc bệnh Phong bị cô lập, xa lánh, bêu xấu. Họ không được đến gần người khác, không được lập gia đình, phải mặc quần áo riêng để dễ nhận diện. Khi đi ra ngoài, họ phải đeo một cái chuông. Chuông kêu leng keng, để mọi người biết mà tránh. Tránh như tránh “Cùi” tránh “Hủi”.
Họ được tập trung vào các ngôi nhà hẻo lánh, xa thị trấn, bị coi như những kẻ đã chết trong khối người còn sống; được dự đám tang, chôn cất chính mình. Khi thực sự chết thì thân xác bị vùi lấp ở mảnh đất xa xôi, riêng biệt. Tại một vài quốc gia thời Trung Cổ, người ta tiêu diệt bệnh phong bằng cách chôn sống bệnh nhân hoặc đốt cháy khu người phong trú ngụ để loại trừ bệnh.
Một vài tôn giáo còn cho rằng phong lây lan qua hành động tình dục, đồng nghĩa Phong với tội lỗi. Và vì thế một công chúa phạm tà dâm đã bị vua cha mang gả cho một người mắc bệnh Phong.
Bản thân người bệnh cũng mang nhiều mặc cảm. Họ sống cầu bơ cầu bất lén lút trong thiếu thốn mọi mặt với vết thương lòng tàn phá chẳng kém chi vết thương trên xương thịt, cơ thể.
Tài liệu về nghi thức của một tôn giáo vào thế kỷ thứ 13 bên nước Anh có gi rõ sự cấm đoán khắc nghiệt với bệnh nhân Phong:
... “Ta cấm không cho ngươi được bước vào nhà thờ, đến chợ, nhà máy xay, nơi làm bánh hoặc bất cứ nơi vào có đông dân chúng tụ họp.
Ta cấm ngươi không được rửa tay hoặc bất cứ vật tùy thân nào trong giếng nước, giòng suối các loại.
Ta cấm ngươi từ nay không được đi ra ngoài mà không mặc quần áo cùi để mọi người nhận ra ngươi.
Ta cấm ngươi giao hợp với bất cứ người nữ nào, ngoại trừ vợ ngươi.
Ta cấm ngươi sờ đụng tới con trẻ, dù chúng là ai, hoặc trao cho chúng hoặc người khác bất cứ vật sở hữu nào của ngươi.
Ta cấm ngươi ăn uống với bất cứ ai ngoại trừ kẻ cùi hủi như ngươi...”
Thật tội nghiệp cho một kiếp người. Bị hắt hủi, bị đầy đọa, bị cô lập chỉ vì số mệnh bắt phải mang một trong “tứ chứng nan y” vào thời điểm xa xưa: Phong, Lao, Cổ, Lại.
Thứ Tư, 24 tháng 3, 2010
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét